Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp

Thứ Năm, ngày 7 tháng 9 năm 2017 - 09:50

Cỡ chữ: A+ A-

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong những năm qua đã thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn tập hợp, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh lớn mạnh, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức đối với tổ chức Công đoàn.


     

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ thành phố tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2017 - 2022

     Thực tế cho thấy, sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua đã thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hằng năm tăng lên, song số doanh nghiệp được thành lập đi vào hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít lao động, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là lao động thủ công bán cơ giới nên năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo việc làm cho người lao động, số lao động ký hợp đồng mùa vụ còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước; việc chấp hành pháp luật lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động ở một số doanh nghiệp còn chưa nghiêm, có nơi chủ doanh nghiệp còn tìm lý do để trì hoãn, tránh né việc thành lập CĐCS tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận CNLĐ hiểu biết về pháp luật lao động còn hạn chế, trình độ chuyên môn, tay nghề còn thấp; ý thức chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp ở một bộ phận CNLĐ chưa nghiêm túc, tác phong công nghiệp trong lao động, sản xuất còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
      Xác định được những khó khăn, thách thức đó, cùng với việc thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang (khoá XV) đã xây dựng "Chương trình Phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, giai đoạn 2013-2018" với mục tiêu "Tập hợp đông đảo CNVCLĐ vào tổ chức Công đoàn để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…; củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2018 toàn tỉnh phát triển mới từ 4.000 đoàn viên công đoàn trở lên, trong đó khu vực doanh nghiệp phát triển trên 3.200 đoàn viên mới; 100% doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên thành lập được CĐCS; tỷ lệ thu hút CNLĐ vào tổ chức Công đoàn trong các CĐCS doanh nghiệp đạt trên 85%...".
      Để công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp đạt được kết quả tốt, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tổ chức hoạt động và là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hằng năm đối với các đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh đều thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp cho các đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để các đơn vị phấn đấu.
      Căn cứ chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao hằng năm, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động tổ chức các đợt khảo sát, nắm tình hình lao động, việc làm ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp, đồng thời chú trọng củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở đơn vị mình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo để thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm tập hợp, thu hút đông đảo công nhân lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, tích cực và kiên trì tuyên truyền, vận động đối với giám đốc, người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp thấy được lợi ích và sự cần thiết phải thành lập CĐCS và trách nhiệm trong việc tạo điều kiện để thành lập CĐCS tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động; hướng dẫn, tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động công đoàn. Kết quả, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp mới 7.740 đoàn viên, trong đó khu vực hành chính, sự nghiệp kết nạp 1.809 đoàn viên; khu vực sản xuất kinh doanh kết nạp 5.931 đoàn viên. Tổng số CĐCS doanh nghiệp được thành lập là 57 CĐCS (loại hình công ty TNHH thành lập 38 CĐCS, loại hình công ty cổ phần thành lập 02 CĐCS, loại hình doanh nghiệp tư nhân thành lập 08 CĐCS, loại hình hợp tác xã thành lập 09 CĐCS).
      Thực tế cho thấy, muốn làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, trước hết phải nắm chắc được tình hình lao động, việc làm và dự báo được tình hình phát triển CNLĐ trong các doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể. Mặt khác, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật quy định về việc thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động CNLĐ vào tổ chức công đoàn; linh hoạt trong khâu tổ chức tuyên truyền vận động, nhất là đối với những doanh nghiệp có địa bàn hoạt động rộng, CNLĐ làm việc phân tán ở nhiều nơi, đồng thời phải chú trọng tuyên truyền, vận động cả người sử dụng lao động để họ nhận thức được đầy đủ quy định của pháp luật về thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, thấy được lợi ích và sự cần thiết phải thành lập CĐCS. Nội dung tuyên truyền cần được lựa chọn ngắn gọn, đảm bảo cung cấp đủ các thông tin cần thiết để người lao động và người sử dụng lao động dễ hiểu và tiếp nhận thông tin. Trong quá trình tuyên truyền cần làm rõ về vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, về quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia vào công đoàn để CNLĐ hiểu và tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là các quy định về thành lập tổ chức công đoàn và việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp; kiên quyết xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, khuyến khích, động viên kịp thời đối với những doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và tổ chức công đoàn hoạt động đạt kết quả tốt.


Nguyễn Thị Phương Thu
Ban Tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh

 




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 5.792 views

Xem tin theo ngày:   / /