Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn”
Cập nhật lúc Thứ Hai, ngày 18 tháng 2 năm 2019 - 09:05 (GMT+7)
Một số vấn đề trong việc thực hiện Luật Công đoàn (năm 2012) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

     Qua 6 năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn (năm 2012), về cơ bản các quy định của Luật Công đoàn đã được các cấp, ngành, địa phương, cơ sở thực hiện tốt; đồng thời, cũng bộc lộ một số điểm khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
     - Về thực hiện quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn: Kết quả, từ năm 2013 đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã kết nạp mới hơn 10.300 đoàn viên (trong đó, khối SX-KD gần 8.000 đoàn viên), thành lập mới 94 CĐCS (trong đó, khối SX-KD gần 70 CĐCS). Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có số lượng lao động ít, không ổn định nên hiệu quả hoạt động của các CĐCS ở những doanh nghiệp này không cao.
     - Về thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động: các Công đoàn CTTTCS đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật lao động và các chế độ, chính sách của Nhà nước; chú trọng đối tượng là người lao động trực tiếp, lao động trẻ, lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho CNLĐ; giúp người lao động hiểu chính sách, pháp luật của Nhà nước, nắm được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để tuân thủ và biết tự bảo vệ mình khi bị vi phạm. Chú trọng thực hiện việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện quy chế, chương trình phối hợp giữa các cấp Công đoàn với các cơ quan chức năng và chuyên môn đồng cấp. Đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và tham gia xây dựng, thực hiện các nội quy, quy chế nội bộ của cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và hội nghị người lao động nhằm chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn. Tích cực, chủ động tham gia, kiến nghị với cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

 

Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2018; triển khai nhiệm vụ công tác công đoàn năm 2019.


      Trên thực tế, quyền đại diện của tổ chức công đoàn cơ bản được tôn trọng, nhất là ở khu vực nhà nước. Công đoàn các cấp đều có quyền đại diện tham gia trong các cơ cấu tổ chức, các Hội đồng, Ban chỉ đạo như Hội đồng thi đua - khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Hội đồng xét nâng bậc lương, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ... Tuy nhiên, ở nhiều nơi quyền đại diện của công đoàn còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả hoạt động đại diện chưa cao, chưa phát huy và thể hiện tốt vai trò là người đại diện cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động. Nguyên nhân là một số doanh nghiệp ngoài nhà nước, người sử dụng lao động chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động...
      - Về thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội: Công đoàn các cấp đã làm tốt công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, các chế độ chính sách liên quan đến đoàn viên, CNVCLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhất là việc thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Các cấp Công đoàn trong tỉnh thực hiện công tác phản biện xã hội thông qua hình thức tham gia vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên hiệu quả việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của tổ chức công đoàn có nơi, có việc chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc tham gia phản biện xã hội.
     - Về thực hiện quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: LĐLĐ tỉnh đã chủ trì cùng MTTQ và các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công đoàn tại 36 đơn vị, doanh nghiệp; các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động và Luật Công đoàn tại trên 400 đơn vị, doanh nghiệp; qua đó đã kịp thời phát hiện, kiến nghị các đơn vị sử dụng lao động có biện pháp khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho người lao động; đồng thời, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các trường hợp người sử dụng lao động có những hành vi vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Lực lượng để thực hiện nhiệm vụ còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; việc phát huy vai trò, hiệu quả của Ban thanh tra nhân dân ở nhiều cơ sở còn hạn chế.
      - Việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn: cơ bản đã được thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền, phối hợp, lấy ý kiến và hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động, đặc biệt đối với khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cán bộ công đoàn ở cơ sở hoạt động.
     - Về đảm bảo hoạt động của công đoàn: Thực tế hiện nay LĐLĐ tỉnh không được phân cấp quản lý trực tiếp cán bộ chuyên trách ở một số Công đoàn CTTTCS. Do vậy, công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn chưa thống nhất, chưa chủ động trong việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.v.v.. Về tài chính công đoàn còn nhiều doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn theo quy định... Để bảo đảm về điều kiện hoạt động, về điều kiện tài chính công đoàn, pháp luật cần bổ sung chế tài đủ mạnh để xử phạt khi có tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ trách nhiệm, nhất là đối với những hành vi bị cấm theo quy định của Luật Công đoàn.
      - Về việc giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn: Tuy đã có quy định về trình tự, thủ tục, chế tài xử lý cụ thể nhưng còn khó khăn trong việc thực hiện. Một số trường hợp có tình trạng vi phạm kéo dài nhưng chưa xử lý được một cách triệt để và dứt điểm.
      Qua thực tế thực hiện, có thể rút ra một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong việc thực hiện Luật Công đoàn (năm 2012) là:
      Một số cán bộ công đoàn còn hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức hoạt động; còn e dè trong việc đấu tranh, chưa làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Cán bộ công đoàn còn lúng túng về phương pháp, hạn chế về hiệu quả, việc nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động chưa kịp thời.
      Kinh phí cho hoạt động công đoàn khó khăn nên không tạo được động lực khuyến khích cán bộ công đoàn nhiệt tình tham gia hoạt động công đoàn. Một bộ phận cán bộ công đoàn chưa thật sự tâm huyết với công tác công đoàn.
      Ở một số nơi, cấp uỷ và chính quyền, người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp để công đoàn hoạt động tốt.
      Một số quy định của pháp luật còn bất cập; chưa có các quy định, các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm; chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ công đoàn cơ sở; Pháp luật trao quyền và trách nhiệm cho công đoàn rất lớn song điều kiện để thực hiện những quyền đó ở nhiều nơi chưa được đảm bảo.

 


Đỗ Văn Ngọc
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh

 


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 24 Lượt truy cập: 1.590.482