Người lao động đứng về phía các anh chị!

Thứ Hai, ngày 6 tháng 9 năm 2021 - 09:14

Cỡ chữ: A+ A-

Sau nhiều năm đồng hành với người lao động, tôi may mắn được biết tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tôi bắt đầu nhìn thấy những điều tốt đẹp đằng sau tường rào nhà máy. Tôi bắt đầu có được niềm tin vào tương lai tốt đẹp của người lao động khi được gặp, được làm việc cùng những cán bộ công đoàn cống hiến bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết...


   

 

        Từ lâu, những cán bộ công đoàn - với màu áo xanh thân thuộc - không chỉ mang đến cho người lao động, cho đoàn viên của mình sự gần gũi, mến yêu mà còn gửi gắm hy vọng về sự bảo vệ, giúp đỡ và vô vàn những điều tốt đẹp. Không biết bao nhiêu người lao động đã được bảo vệ trước những quyết định vô lý, trái pháp luật của những người quản lý, những chủ doanh nghiệp.
       Không biết bao nhiêu người lao động bị bệnh hiểm nghèo cận kề cái chết, lâm vào khó khăn, cơ nhỡ do doanh nghiệp nợ lương, quỵt lương, bỏ trốn, do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh… tìm được niềm tin, lấy được công bằng nhờ sự vào cuộc của tổ chức Công đoàn. Có lẽ, chỉ những ai từng ở trong hoàn cảnh ấy mới hiểu hết tình cảm, trách nhiệm của Công đoàn.

       Không chỉ chăm lo, quan tâm khi có "sự cố", Công đoàn còn thường xuyên tổ chức những cuộc thi, những phong trào văn thể mỹ sôi nổi,... để người lao động giảm bớt căng thẳng, thêm tin yêu gắn bó với công việc trong công xưởng, nhà máy.

      Dịp lễ tết, những phần quà ấm áp từ Chương trình “Tết Sum vầy”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến xe Xuân nghĩa tình”... giúp hàng chục nghìn lao động được sum vầy bên gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về sau một năm, thậm chí nhiều năm “tha hương cầu thực”... Thẳm sâu trong các cuộc đoàn viên, một màu xanh hy vọng thật sự được thắp lên ở những nơi có màu xanh Công đoàn.

      Rồi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, màu áo xanh của cán bộ công đoàn lại in dấu đậm hơn khắp các nẻo đường, nhà máy, khu nhà trọ, khu phong tỏa... Bao giọt mồ hôi đầm đìa trên áo nhưng họ không quản ngại ngày đêm, vùng có dịch hay không có dịch. Cán bộ Công đoàn bước vào trận chiến như những chiến sĩ thực thụ sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hàng ngàn chuyến xe tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm của Công đoàn các tỉnh chạy ngược chạy xuôi. Những người cán bộ ấy lại trở thành anh bốc vác, chị nhặt rau, chia từng phần quà gửi đến người lao động với mong muốn giản đơn là người lao động, đoàn viên của mình không bị thiếu ăn, không bất an, lo lắng trong những ngày cam go, gian khó.

       Mặc cho nguy cơ có thể trở thành F0, cán bộ Công đoàn vẫn chở từng bình oxy, mang từng viên thuốc đến từng phòng trọ, khu cách ly. Gần 4 nghìn tỷ đồng và hàng triệu phần quà lương thực, nhu yếu phẩm đã đến với đoàn viên, người lao động là F0, F1, ở trong khu cách ly, phong tỏa hay bị giãn việc, mất việc do COVID-19 từ nguồn tài chính công đoàn, bằng tình cảm, trách nhiệm của cán bộ công đoàn. Theo màu áo xanh, nghìn tỉ đồng lan tỏa yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm, đồng hành.

       Tôi đã thuộc nằm lòng câu “Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”. Nhưng với những gì tận mắt chứng kiến, tôi thấy không phải chỉ có vậy, ở một khía cạnh nào đó, Công đoàn còn “bảo vệ” luôn cả doanh nghiệp.

        Ai giữ cho hàng ngàn người lao động trong một doanh nghiệp có thể an tâm, gắn bó, có thể hết lòng làm việc? Công đoàn. Những lúc thiên tai, dịch bệnh, ai là người lo cho người lao động gói mì, bó rau? Công đoàn. Ai là người sát cánh, sẻ chia cùng doanh nghiệp với mô hình “3 tại chỗ”? Công đoàn. Rồi hết dịch ai là người vận động người lao động trở lại nhà máy ổn định sản xuất? Tôi nghĩ để làm tốt việc này cũng chỉ có thể là Công đoàn.

        Sau những gì Công đoàn đã làm cho đoàn viên, người lao động, thực chất cũng là làm cho doanh nghiệp, tôi cứ nghĩ sẽ có những lời cảm ơn, những chính sách mà doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho những người cán bộ công đoàn đã cống hiến hết lòng ấy. Một ngày cuối tháng Tám vừa rồi tôi vô tình đọc được bài báo “14 hiệp hội xin miễn đóng kinh phí công đoàn đến hết năm”.

        Là một doanh nhân, tôi phần nào hiểu những khó khăn doanh nghiệp đang đối diện, nhưng tại sao lại đòi miễn đóng kinh phí công đoàn - nguồn kinh phí chủ yếu để những người cán bộ công đoàn duy trì hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho chính người lao động của họ? Mong những người cán bộ công đoàn không chạnh lòng, không tổn thương và tiếp tục cống hiến, phục vụ vì người lao động, vì đoàn viên thân yêu của mình. Tôi không biết hết ai đứng về phía các anh chị nhưng tôi biết chắc một điều: Người lao động sẽ đứng về phía các anh chị!

 

NGUYỄN HOÀNG NAM - GIÁM ĐỐC PHÁT TRIỂN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC,

CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN KHẢI MINH

 






Tổng số: 135 | Trang: 1 trên tổng số 14 trang  

Xem tin theo ngày:   / /