Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn”
Cập nhật lúc Thứ Sáu, ngày 28 tháng 8 năm 2020 - 18:54 (GMT+7)
Hiệu quả từ các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang

Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, ngành Giáo dục đã triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 gắn với phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" và các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, các phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành đã thu hút đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh tích cực hưởng ứng, tham gia; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948), ngành Giáo dục đã phát động phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" và chỉ đạo xuyên suốt trong toàn ngành cho đến nay. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy vì học sinh thân yêu, kiên trì bám trường, bám lớp, cống hiến cả cuộc đời công tác cho sự nghiệp "trồng người"; nhiều thầy cô giáo đam mê nghiên cứu, tích cực ôn luyện học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh yếu kém... Tại các cơ quan quản lý giáo dục, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được cụ thể hóa thành “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao Bằng khen cho Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang

 

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã phát huy sức mạnh to lớn trong việc tạo động lực cho các nhà trường, cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo đổi mới công tác quản lý, giảng dạy, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm, toàn ngành có trên 1.800 đề tài, sáng kiến và sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; 354 thầy cô giáo được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Các hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, đảm bảo linh hoạt và phù hợp, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; một số trường thực hiện hiệu quả mô hình Trường học gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương như Trường học cây chè, Trường học cây mía, Trường học cây cam... Giáo dục STEM được các nhà trường tích cực triển khai và đạt kết quả tốt, mỗi năm có hàng trăm sản phẩm, dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức và Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang, rất nhiều sản phẩm, dự án đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia. Một số thầy cô giáo tích cực nghiên cứu và hướng dẫn học sinh, có nhiều dự án đạt giải cao, tiêu biểu: Thầy giáo Nguyễn Trung Kiên (Trường THPT Thái Hòa); Cô giáo  Trần Thị Nga, Thầy giáo Đỗ Văn Định (Trường THPT Sơn Dương); Thầy giáo Lương Ngọc Huyên, Thầy giáo Hoàng Châu Thiện (Trường THPT Chuyên)...

Nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành giáo dục chiếm tỉ lệ cao, vì vậy phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” có sức ảnh hưởng rất lớn trong các hoạt động của ngành, đã khơi dậy và phát huy năng lực, phẩm chất tốt đẹp của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định vị thế của đội ngũ nữ nhà giáo, người lao động trong sự nghiệp giáo dục. Năm 2017, có 8 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (Hiện có 11 nữ nhà giáo đang được trình Hội đồng cấp Nhà nước thẩm định, đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong năm 2020).

Phong trào “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” được Công đoàn ngành vận động đoàn viên, nhà giáo tích cực tham gia. Trong 5 năm, Sở và các đơn vị trực thuộc có trên 50 nhà giáo hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, 10 cán bộ hoàn thành chương trình Chuyên viên chính.

Cuộc vận động Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ nguồn hỗ trợ của Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố và các nguồn khác, trong 5 năm đã xây dựng được 02 nhà công vụ giáo viên, hỗ trợ xây 02 nhà "Mái ấm Công đoàn" và giúp đỡ hàng trăm nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro với số tiền gần 2,3 tỉ đồng. Mỗi mùa đông đến, mỗi dịp Tết về, đầu năm học mới, các thầy cô giáo lại quyên góp tiền, chăn ấm, quần áo, đồ dùng tặng học sinh nghèo; tại nhiều trường học, các thầy cô giáo dạy ôn tập, phụ đạo không thu tiền, giúp học sinh nghèo tiền đóng học phí; ủng hộ, giúp đỡ các em khi gặp hoạn nạn, khó khăn, có nhà giáo còn đón học sinh có hoàn cảnh đặc biệt về nhà để vừa nuôi dưỡng, vừa dạy bảo các em học hành...

Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục còn được thực hiện gắn với các phong trào của tỉnh như: "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới", “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang thi đua thực hiện văn hoá công sở”... không những tạo không khí thi đua sôi nổi, tích cực; mà còn tăng cường nền nếp, kỷ cương và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục.

Qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Trước hết, để các phong trào thi đua tạo ra được khí thế sôi nổi thì “phát” phải đi đôi với “động”. Sau khi phát động, phải duy trì theo dõi để ghi nhận, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình, chú ý cả khen thưởng đột xuất và khen thưởng thường xuyên để kích thích, động viên những nhân tố tích cực.

Thứ hai, ngoài việc quán triệt các Quy chế khen thưởng và văn bản hướng dẫn, thì quan trọng nhất là phải cụ thể hóa từng mục tiêu thi đua vào nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, của mỗi tập thể và cá nhân, không dập khuôn máy móc. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của Lãnh đạo và đội ngũ cán bộ Công đoàn, cổ vũ, động viên mọi thành viên tham gia với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo.

Thứ ba, cần xây dựng mối quan hệ hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan, đơn vị, trường học trong triển khai thực hiện các mục tiêu của phong trào thi đua. Qua đó, mỗi tập thể, cá nhân tự đánh giá và có sự điều chỉnh, phấn đấu vươn lên, không để thi đua trở thành ganh đua.

Thứ tư, làm tốt việc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, tổng hợp thành tích, đánh giá khách quan, công bằng, minh bạch kết quả đạt được; ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp, khích lệ các tập thể, cá nhân chưa đạt sẽ cố gắng phấn đấu vươn lên.

Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cấp quản lý, lãnh đạo và Công đoàn trong ngành cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nêu cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan, đơn vị, nhà trường.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với Công đoàn và các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, nhà trường; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động về công tác thi đua, khen thưởng; phát huy yếu tố năng động, sáng tạo, tích cực, tự giác trong tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua. Đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến; bồi dưỡng nhân tố mới trong các phong trào thi đua.

Ba là, tổ chức tốt thi đua thường xuyên, thi đua theo chuyên đề ở từng cơ quan, đơn vị, trường học. Phát động thi đua gắn với việc kiểm tra, đánh giá kết quả thi đua ở từng đơn vị kết hợp với kiểm tra chéo giữa các đơn vị.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng thành tích; chú trọng khen thưởng đối với tập thể nhỏ, nhà giáo và người lao động trực tiếp.

Năm là, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, nhà giáo trực tiếp phụ trách ở các đơn vị, trường học; triển khai kịp thời các nội dung mới trong văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục và công đoàn cấp trên.


                                                                     Nguyễn Thị Uyên

                                                     Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 27 Lượt truy cập: 1.590.141