Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn”
Cập nhật lúc Thứ Sáu, ngày 28 tháng 8 năm 2020 - 18:53 (GMT+7)
Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn

          Những năm qua, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT đã phát động và tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua yêu nước, trong đó nổi bật nhất là phong trào thi đua “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kết quả phong trào đã và đang góp phần quan trọng mang lại diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn và nền nông nghiệp của tỉnh nhà.

Thực hiện tốt phong trào thi đua “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” là một trong những nhân tố quan trọng để tạo nên những bước đột phá trong việc đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu và thực hiện các đề tài khoa học đã được các đơn vị quan tâm, CNVCLĐ đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, các giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực. Cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ luôn xung kích, đi đầu trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế; đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng thành công nhiều mô hình trình diễn, khảo nghiệm, chọn lọc các loại giống cây, giống con có những tố chất tốt đưa vào sản xuất. Trong những năm qua, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được chú trọng, đã thực hiện 44 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KHCN). Đến nay, hoàn thành nghiên cứu 23 đề tài, dự án KHCN; một số kết quả là: Ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp phòng trừ hiệu quả rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa; chuyển giao, làm chủ quy trình sản xuất giống và chăn nuôi lợn rừng lai; nhân nhanh giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô; xây dựng kỹ thuật phòng, trừ một số bệnh ở cá Chiên hiệu quả... Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất theo các tiêu chuẩn được công nhận, gắn với đăng ký nhãn hiệu, truy suất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước.

 

 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và Công đoàn Viên chức tỉnh trao giải cho các tập thể, cá nhân xuất sắc tham gia Hội thi thể thao CNVCLĐ ngành Nông nghiệp & PTNT năm 2019

 

Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” ngay từ khi triển khai đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư (giai đoạn 2016 - 2020), nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia đóng góp 493.572 triệu đồng; hiến 18.247 m2 đất; tham gia 1.412.148 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghệp và PTNT là cơ quan thường trực được giao tham mưu triển khai phong trào, tính đến nay phong trào đang được triển khai sâu rộng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần quan trọng thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 14,06 tiêu chí/xã; t lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,8% năm 2019. Phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân lên trên 15 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,74%.

Năm 2020 là năm đặc biệt quan trọng đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuyên Quang đã tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được để trong thời gian tới, Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục có sức lan tỏa mạnh nhằm tạo khí thế thi đua, khích lệ các địa phương trong toàn tỉnh bứt phá để về đích trong xây dựng nông thôn mới và định hướng cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, trong giai đoạn tới, để đẩy mạnh và phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào thi đua "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới" cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành. Cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ phải nắm rõ nội dung cơ bản Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và những chủ trương, chính sách, định hướng của tỉnh với tinh thần “Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua".

Để làm tốt được giải pháp này thì lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể quán triệt và cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi cá nhân về phong trào thi đua, qua đó khơi dậy, cổ vũ tinh thần đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, tạo động lực cho việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào thi đua “Liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phong trào tạo sự lan toả trong nhân dân, cộng đồng, xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện phong trào nhằm huy động đông đảo các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách để thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả cao hơn.

Ba là, Mỗi đoàn viên, CNVCLĐ trong ngành nông nghiệp phải luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong vị trí, việc làm của mình, cần tiếp tục phát huy năng lực cốt lõi của bản thân và hăng say hơn nữa trong công tác chuyên môn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chủ động đề xuất các ý tưởng và tổ chức triển khi các phong trào thi đua của ngành đạt được nhiều thành tích hơn nữa, nhằm góp phần đưa các phong trào thi đua của ngành nông nghiệp và PTNT ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

 

Lê Thị Thanh Nhàn

Phó Chủ tịch CĐCS Sở Nông nghiệp và PTNT


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 23 Lượt truy cập: 1.590.622