Hướng dẫn quy trình thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở

Thứ Tư, ngày 26 tháng 8 năm 2020 - 09:24

Cỡ chữ: A+ A-

(Trích Hướng dẫn số 07/HD-TLĐ ngày 12/6/2020 của Tổng LĐLĐ Việt Nam)


 

I- QUY TRÌNH THÀNH LẬP, KIỆN TOÀN VÀ GIẢI THỂ BAN NỮ CÔNG QUẦN CHÚNG

1.Thành lập ban nữ công quần chúng

1.1.Điều kiện thành lập

Công đoàn cơ sở (CĐCS) có từ 10 nữ đoàn viên trở lên được thành lập ban nữ công quần chúng; ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định thành lập và chỉ định các thành viên theo nhiệm kỳ của ban chấp hành hoặc sau khi thành lập công đoàn cơ sở.

Đối với công đoàn cơ sở có dưới 10 nữ đoàn viên thì chỉ định một ủy viên ban chấp hành công đoàn hoặc một đoàn viên nữ phụ trách công tác tham mưu tổ chức các hoạt động nữ công (không thành lập ban nữ công quần chúng).

Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm thành lập ban nữ công quần chúng chậm nhất sau 3 tháng kể từ khi có quyết định công nhận ban chấp hành của cấp có thẩm quyền (sau đại hội nhiệm kỳ hoặc sau thành lập mới công đoàn cơ sở).

1.2. Trình tự thành lập

* Bước 1. Họp ban chấp hành (ban thường vụ) công đoàn cơ sở thống nhất:

Số lượng, cơ cấu ban nữ công quần chúng; lựa chọn nhân sự làm trưởng ban, phó ban (nếu có), các thành viên tham gia ban nữ công quần chúng.  

* Bước 2. Ban hành quyết định thành lập và chỉ định các thành viên, trưởng ban nữ công quần chúng.

2. Kiện toàn ban nữ công quần chúng

2.1. Thôi tham gia ban nữ công quần chúng

Khi thành viên ban nữ công quần chúng nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển công tác khác không còn thuộc cơ cấu đã được công đoàn cơ sở phê duyệt thì đương nhiên thôi tham gia ban nữ công quần chúng, kể từ thời điểm nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển công tác ghi trong quyết định hoặc thông báo của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Thành viên ban nữ công quần chúng xin thôi tham gia ban nữ công quần chúng không thuộc trường hợp nêu trên phải làm đơn gửi ban nữ công quần chúng đề nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét, quyết định.

2.2. Bổ sung thành viên ban nữ công quần chúng

- Điều kiện bổ sung thành viên ban nữ công quần chúng: Trong nhiệm kỳ, khi khuyết thành viên ban nữ công quần chúng hoặc cần tăng thêm số lượng thành viên thì ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét quyết định bổ sung thành viên ban nữ công quần chúng nhưng không được vượt quá số lượng quy định của Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Trình tự bổ sung thành viên ban nữ công quần chúng: Ban nữ công quần chúng báo cáo và đề xuất bằng văn bản với ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét cho chủ trương và nhân sự bổ sung hoặc tăng thêm số lượng (không vượt quá số lượng quy định). Ban chấp hành (ban thường vụ) công đoàn cơ sở ra quyết định chỉ định bổ sung thành viên ban nữ công quần chúng.

3. Giải thể ban nữ công quần chúng

3.1. Trường hợp giải thể: Ban nữ công quần chúng không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động (không đủ số lượng đoàn viên nữ theo quy định) thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét quyết định giải thể. Khi ban chấp hành công đoàn cơ sở kết thúc nhiệm kỳ hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của công đoàn cấp trên trực tiếp thì ban nữ công quần chúng đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ.

3.2. Trình tự giải thể: Khi ban nữ công quần chúng không còn đủ điều kiện tồn tại và hoạt động thì ban chấp hành công đoàn cơ sở họp xem xét thống nhất chủ trương và ra quyết định giải thể ban nữ công quần chúng, đồng thời chỉ định một ủy viên ban chấp hành công đoàn phụ trách công tác nữ công.

II- TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ BAN NỮ CÔNG QUẦN CHÚNG

1. Về tổ chức

Ban nữ công quần chúng căn cứ vào số lượng đoàn viên nữ, quy mô, cơ cấu tổ chức, địa bàn hoạt động của công đoàn cơ sở (có tổ công đoàn, công đoàn bộ phận…) để thành lập tổ nữ công khi có đủ từ 5 nữ đoàn viên trở lên. Trường hợp tổ công đoàn, công đoàn bộ phận có số lượng nữ đoàn viên ít hơn thì có thể thành lập tổ nữ công sinh hoạt ghép. Nhiệm kỳ hoạt động của ban nữ công quần chúng theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cơ sở.

2. Về cán bộ

Số lượng thành viên ban nữ công quần chúng do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định từ 03 người trở lên và tối đa không quá hai phần ba (2/3) số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở (trừ trường hợp ban chấp hành có 03 người). Trong đó, có 01 trưởng ban, có từ 01 đến 02 phó trưởng ban (tùy thuộc số lượng tổ nữ công, tính chất phân tán) và các thành viên. Trưởng ban nữ công là nữ ủy viên ban thường vụ (ban chấp hành) công đoàn cơ sở. Trường hợp ban thường vụ (ban chấp hành) không có nữ thì chỉ định một đoàn viên nữ ngoài ban chấp hành làm trưởng ban và phân công một ủy viên ban thường vụ (ban chấp hành) phụ trách công tác nữ công.

Trưởng ban có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho phó trưởng ban (nếu có) và từng thành viên; trưởng ban chịu trách nhiệm trước ban chấp hành, ban thường vụ về chất lượng, hiệu quả tham mưu công tác nữ công của đơn vị. Các thành viên đề xuất với trưởng ban các hoạt động về lĩnh vực được phân công theo dõi để cùng thống nhất thực hiện.

Ban nữ công quần chúng gồm một số cán bộ, đoàn viên nữ là ủy viên ban chấp hành và không là ủy viên ban chấp hành. Số thành viên ban nữ công quần chúng là ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở không vượt quá 1/3 tổng số thành viên ban nữ công quần chúng.

Cơ cấu ban nữ công quần chúng được lựa chọn trong số tổ trưởng tổ nữ công (nếu có), nữ ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở và đoàn viên nữ làm công việc có liên quan tới tổ chức cán bộ, chế độ chính sách, cán bộ tuyên truyền, y tế…

III. HOẠT ĐỘNG BAN NỮ CÔNG QUẦN CHÚNG

  Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của ban nữ công quần chúng đã được quy định tại Chương VII Điều lệ Công đoàn Việt Nam và mục 18 của Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023, hoạt động của ban nữ công quần chúng tập trung vào các nội dung sau:

1. Tuyên truyền giáo dục.

2. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nữ CNVCLĐ; quan tâm công tác dân số, gia đình, trẻ em và tổ chức các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ.

3. Công tác cán bộ nữ.

4. Củng cố kiện toàn ban nữ công quần chúng và hướng dẫn hoạt động tổ nữ công.

IV. PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC  HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ HỌP

1. Phương pháp hoạt động:

- Tham mưu giúp ban chấp hành công đoàn cơ sở xây dựng chương trình công tác, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động triển khai công tác nữ công theo nhiệm kỳ và từng năm.

- Chú trọng phương pháp quần chúng, thuyết phục vận động lao động nữ; lựa chọn hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, chính đáng và hợp pháp của lao động nữ. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công tác nữ công; phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến.

2.  Hình thức hoạt động

- Hội nghị, hội thảo, hội thi, sinh hoạt định kỳ, kiểm điểm công tác; đối thoại, tọa đàm, gặp mặt hoặc nghe nói chuyện các chuyên đề; tham quan du lịch, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức các hoạt động văn  hóa, văn nghệ, thể thao; tuyên truyền, tư vấn trực tiếp hoặc sử dụng tờ gấp, loa đài, bảng tin…tổ chức sinh hoạt tổ, câu lạc bộ nữ công.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực trong nữ CNVCLĐ nhân dịp những ngày kỷ niệm liên quan tới nữ CNVCLĐ, công tác dân số, gia đình, trẻ em trong năm: 8/3, 20/10, Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Dân số Việt Nam…

3. Chế độ họp: Ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở họp định kỳ 6 tháng 1 lần; họp đột xuất khi cần thiết.

 

Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 9.770 views

Xem tin theo ngày:   / /