Những điểm mới của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Thứ Ba, ngày 8 tháng 4 năm 2014 - 07:50

Cỡ chữ: A+ A-

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (sau đây gọi là Hiến pháp) thay thế cho Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta (Nhà nước ta đã ban hành trước đó 4 bản Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).


        Hiến pháp thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Điều đó thể hiện bước tiến quan trọng trong công tác lập hiến của nước ta.
       Trước hết, với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) Hiến pháp có bố cục gọn và kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, hiện đại hơn, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
       Thứ hai, Hiến pháp đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ XHCN và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực nhà nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Theo đó, Hiến pháp đã quy định “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, bổ sung đầy đủ các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp năm 1992 mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
       Thứ ba, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò đó do lịch sử giao phó, nhân dân thừa nhận và được Hiến pháp xác nhận. Đồng thời Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn tính tiên phong, bản chất giai cấp công nhân và nhân dân của Đảng; bổ sung một quy định rất quan trọng từ yêu cầu của nhân dân đó là “Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
       Thư tư, với những nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II để khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp đã ghi nhận các quyền cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Hiến pháp tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992; đồng thời, bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
       Thứ năm, quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường của Đảng đã được Hiến pháp thể chế hóa, quy định ở trong cùng một chương (Chương III). Các quy định này mang tính khái quát, ổn định về mục tiêu, định hướng và các chính sách cơ bản ở tầm vĩ mô làm căn cứ pháp lý cao nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và môi trường. Đồng thời, Hiến pháp tiếp tục quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Quy định này làm rõ hơn bản chất nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta.
       Thứ sáu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN từ trước đây cũng như trong tình hình quốc tế mới hiện nay là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Hiến pháp đã khẳng định bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân. Nhà nước có trách nhiệm củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh để không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc. Bổ sung quy định lực lượng vũ trang góp phần gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; có nhiệm vụ tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng. Tuy Hiến pháp không quy định cụ thể chính sách hậu phương Công an nhưng việc quy định bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của CBCS phù hợp với tính chất hoạt động của CAND; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh cũng đã nói lên điều đó.
       Thứ bảy, Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đồng thời bổ sung thêm một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
       Dựa trên nền tảng đó, bộ máy nhà nước trong Hiến pháp đã có những điều chỉnh để làm rõ hơn, phân định rạch ròi hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực và hiệu quả. Theo đó, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
       Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Chính phủ được Hiến pháp chỉ rõ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời theo định hướng cải cách tư pháp để đảm bảo tính độc lập trong việc thực hiện quyền tư pháp, tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử, Hiến pháp đã bổ sung một số nguyên tắc nền tảng mang tính Hiến định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
       Thứ tám, để đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Hiến pháp đã quy định một cách khái quát và nguyên tắc về mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở Hiến định để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau này cụ thể hóa. Hiến pháp quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
       Thứ chín, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên được thể chế hóa trong Hiến pháp nước ta với tư cách là các thiết chế Hiến định và được quy định trong một chương riêng của Hiến pháp. Đây là xu hướng lập hiến, pháp quyền hiện đại. Việc ra đời hai thiết chế này trong Hiến pháp nước ta là tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Nhà nước ta do nhân dân làm chủ, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử và trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước.
       Thứ mười, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp đã có các quy định cụ thể về hiệu lực và quy trình thủ tục làm và sửa đổi Hiến pháp; thể hiện tính chất dân chủ và pháp quyền của Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển. Quốc hội được nhân dân giao cho thực hiện một số quyền lập hiến như thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, thảo luận và thông qua Hiến pháp khi có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; quyết định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
       Hiến pháp với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại. Theo đó, các quy định của Hiến pháp có phạm vi điều chỉnh và cách thức thể hiện vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa khái quát lại vừa đủ chi tiết, vừa nguyên tắc lại vừa đủ độ mềm dẻo để đảm bảo xứng tầm là Hiến pháp, đủ sức chỉ đạo và giữ vị trí cao nhất làm cơ sở, làm nền tảng cho sự ra đời của toàn bộ quy định pháp luật khác của Nhà nước.

                                                                                                                                  (Sưu tầm)

 




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 18.133 views

Xem tin theo ngày:   / /