Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phân cấp tài chính công đoàn

Thứ Ba, ngày 26 tháng 7 năm 2016 - 14:34

Cỡ chữ: A+ A-

Thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới, để khai thác tốt nguồn thu, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách công đoàn, tạo quyền chủ động cho các LĐLĐ huyện, thành phố trong công tác thu, chi tài chính công đoàn, ngày 22/12/2009, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Đề án số 03/ĐA-LĐLĐ về phân cấp quản lý ngân sách công đoàn đối với LĐLĐ các huyện, thành phố.


     Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã phân cấp quản lý tài chính công đoàn cho 5/7 LĐLĐ huyện, thành phố. Sau 6 năm triển khai thực hiện, công tác phân cấp tài chính công đoàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng để LĐLĐ tỉnh hoàn thành tốt dự toán tài chính công đoàn hằng năm do Tổng Liên đoàn giao. Thu tài chính công đoàn hằng năm đều tăng, nhất là kinh phí công đoàn (KPCĐ) tại khu vực doanh nghiệp, hạn chế tình trạng thất thu KPCĐ. Các khoản chi cơ bản bám sát dự toán giao; đảm bảo chế độ, định mức quy định; hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn đã được nâng lên; kinh phí hoạt động cho CĐCS được cấp đầy đủ, kịp thời. Số đơn vị không nộp quyết toán năm giảm nhiều so với các năm chưa phân cấp. Thẩm quyền và trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh, của các LĐLĐ huyện, thành phố trong công tác tài chính công đoàn đã được xác định rõ; khắc phục sự thụ động, trông chờ và cơ chế xin cho trong hoạt động tài chính công đoàn. Tạo điều kiện để cơ quan tài chính của LĐLĐ tỉnh tập trung vào thực hiện chức năng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính công đoàn.
     Tuy nhiên, công tác phân cấp tài chính công đoàn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là: Còn có đơn vị có năm thu chưa đạt dự toán giao. Thu KPCĐ của các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đạt thấp so với dự toán giao và chưa đúng với quy định của Nhà nước. Chi quản lý hành chính tại một số đơn vị có khoản chưa thực sự tiết kiệm. Việc nộp kinh phí về LĐLĐ tỉnh chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác thẩm định, tổng hợp dự toán, quyết toán của CĐCS còn chậm; việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra chấp hành quy định về tỷ lệ trích, nộp kinh phí công đoàn của LĐLĐ huyện, thành phố đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thường xuyên.
     Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đoàn viên, người lao động thiếu, không có việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc của các đơn vị đã được tăng cường, tích cực hơn nhưng chưa thực sự sâu sát, cụ thể; có đơn vị còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách cấp trên. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của kế toán hợp đồng còn hạn chế.
     Để nâng cao hiệu quả, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác phân cấp tài chính công đoàn, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
     1. Tiếp tục nâng cao nhận thức trong công tác tài chính công đoàn, xác định việc thực hiện dự toán thu, chi tài chính công đoàn do LĐLĐ tỉnh giao hằng năm là nhiệm vụ, trách nhiệm của BTV công đoàn CTTTCS; từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và đề ra các biện pháp phù hợp, thiết thực để hoàn thành dự toán được giao; tránh tư tưởng thụ động, trông chờ vào ngân sách cấp trên.
     2. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 07b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 của Tổng Liên đoàn khoá XI về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới.
     3. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các CĐCS, người sử dụng lao động, nhất là khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thực hiện nghiêm túc việc trích, nộp kinh phí công đoàn theo luật định.
     4. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với ngành thuế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp. Các đơn vị được phân cấp cần tích cực tham mưu với chính quyền địa phương thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, trong đó có lồng ghép kiểm tra việc trích, đóng kinh phí công đoàn. Chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử phạt các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
     5. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 271/QĐ-TLĐ ngày 07/3/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định khen thưởng, xử phạt về thu, nộp tài chính công đoàn. Tiếp tục thực hiện việc khuyến khích, động viên các đơn vị được phân cấp tích cực trong công tác thu, nộp kinh phí công đoàn (Đơn vị được giữ lại 50% phần vượt thu để chi hoạt động; nộp về LĐLĐ tỉnh 50%).
     6. Làm tốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Các khoản chi cần bám sát dự toán được duyệt, đúng chế độ, định mức quy định, hiệu quả. Tiết kiệm chi hành chính để ưu tiên cho hoạt động phong trào, đào tạo, cho trợ cấp, thăm hỏi đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn.
     7. Ban Tài chính, Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh tích cực hướng dẫn, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác phân cấp tài chính công đoàn. Tổ chức tập huấn cho chủ tài khoản, kế toán cán bộ các cấp công đoàn về công tác quản lý tài chính công đoàn.
                                                                                                         Nguyễn Văn Quang
                                                                                              Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh




In bài viết Gửi phản hồi Gửi Email Lượt xem: 17.392 views

Xem tin theo ngày:   / /