Công tác nữ công
Cập nhật lúc Thứ Tư, ngày 9 tháng 3 năm 2022 - 18:44 (GMT+7)
Duyên dáng với tà áo dài truyền thống

“Tà áo em bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng/Tà áo em bay bay bay bay trên phố dịu dàng”... Từ lâu, áo dài trở thành biểu tượng văn hóa chứa đựng tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Theo dòng chảy lịch sử, tà áo dài đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, tôn lên vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người phụ nữ... Hòa chung không khí hưởng ứng Tuần lễ “Tuần lễ áo dài” cán bộ, hội viên, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng, đón nhận, mặc hàng ngày đi làm, tới cơ quan, công sở...

 Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2022 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Tổng LĐLĐ phát động, từ ngày 1 đến 8-3, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể nữ cán bộ, đoàn viên, người lao động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2022 trên cơ sở kết hợp, lồng ghép trong các hoạt động kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; 1982 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3; chào mừng Đại hội đại biểu Hội LHPN toàn quốc lần thứ XIII; các chương trình sự kiện, ngày lễ có liên quan đến cơ quan, đơn vị... Qua đó, nhằm tôn vinh giá trị áo dài Việt, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, đặc biệt lưu ý thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.


Nữ cán bộ LĐLĐ tỉnh hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" tại nơi làm việc

     Tại LĐLĐ tỉnh, hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, Ban nữ công LĐLĐ tỉnh lựa chọn ngày thứ 6 tuần đầu tháng 3 mặc áo dài. Chị Phạm Thị Mai Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh phấn khởi nói, mặc trang phục áo dài vào ngày đi làm khiến không khí làm việc nhẹ nhàng hơn, thân thiện hơn, chị em thêm trân trọng trang phục truyền thống của dân tộc. Do đó, “Tuần lễ áo dài” đối với chị có thêm nhiều niềm vui và ý nghĩa.

     Hình ảnh nữ cán bộ công nhân viên chức mặc trang phục áo dài truyền thống, cách tân với nhiều màu sắc đa dạng, phong phú đã và đang được lan tỏa rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của ngành, cơ quan, đơn vị...Chị Đỗ Thị Thao, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Dương phấn khởi nói, chị rất hào hứng với “Tuần lễ áo dài” bởi mỗi khi mặc trang phục đặc biệt này, chị thấy áo dài không chỉ là trang phục giúp làm cho người phụ nữ trở nên duyên dáng, mềm mại mà còn khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

     Đối với phụ nữ, giáo viên vùng sâu, vùng xa, áo dài chỉ được mọi người chưng diện vào dịp đặc biệt, lễ, tết, họp lớp, lên bục giảng... Chị Bàn Thị Thơm, giáo viên trường Tiểu học Linh Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ, là giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, chỉ những dịp lễ lớn của trường mới mặc áo dài. Đặc biệt vài năm trở lại đây hưởng ứng “Tuần lễ mặc áo dài” chị thấy rất vui và vinh dự, với chị khi đứng trên bục giảng trong tà áo dài cảm thấy rất tự hào và tự tin, vì nét đẹp của người phụ nữ được tôn lên.

      Không chỉ riêng phái nữ thích mặc áo dài mà cánh đàn ông rất thích chị em trong bộ trang phục này. Anh Dương Văn Hà, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Sơn nói, nhìn phái đẹp rạng ngời, tự tin trong tà áo dài, anh thấy chị em duyên dáng xinh đẹp và quyến rũ hơn. Áo dài mang đến một vẻ đẹp riêng của phụ nữ Việt, mà không phải trang phục nào cũng làm nổi bật lên được.

Các bạn trẻ mặc áo dài chụp ảnh bên hoa sen

     Ngày nay, áo dài không chỉ dành riêng cho phái nữ mà đàn ông, trẻ em và người cao tuổi, đồng phục cho cả gia đình, ai cũng có thể lựa chọn áo dài làm trang phục, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết, đám cưới hay lễ mừng thọ. Vì vậy, những người thiết kế áo dài luôn tìm những mẫu mã, chất liệu phù hợp với xu hướng thời trang thịnh hành. Hiện nay, mẫu áo dài vải hoa nhí và các kiểu họa tiết theo gu “cô Ba Sài Gòn”; áo dài cách tân; áo truyền thống hiện đại... được nhiều người ưa chuộng. Chỉ với giá từ 300 nghìn đồng trở lên, chị em đã có thể sở hữu được một bộ áo dài đẹp theo ý mình. Còn những chị em muốn xuất hiện mỗi lần một bộ áo dài khác nhau thì chỉ cần thuê với giá trên 100 nghìn đồng/bộ/ lần.

     Chị Trần Thị Hồng, tổ 3 phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) là người cũng sưu tập áo dài như là đam mê, sở thích của mình. Chị không chỉ sở hữu một bộ mà có vài chục bộ. Chị nói, là người kinh doanh tự do, nhưng chị rất thích áo dài, vào những dịp lễ tết, hoặc sự kiện quan trọng của gia đình, tổ dân phố, khi đi chơi ở những nơi có cảnh đẹp phù hợp là chị lại mặc. Chị thường chọn những bộ áo dài làm đồng phục cho cả gia đình. Mặc áo dài chị không chỉ cảm thấy tự tin, tôn lên vóc dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, mà còn lưu lại những bức ảnh của cả gia đình kỷ niệm trong mỗi cuộc hội ngộ.

     Để “Tuần lễ áo dài” diễn ra sôi nổi, nhiều hoạt động ý nghĩa, các Công đoàn cơ sở; Hội phụ nữ các cấp đều phát động cán bộ, hội viên phụ nữ mặc áo dài trong tuần lễ, tổ chức thi bình chọn ảnh áo dài đẹp; thi duyên dáng áo dài nữ đoàn viên công đoàn qua hình thức trên trang mạng xã hội; facebook của cơ quan, đơn vị.

      “Tuần Lễ áo dài” được các hội viên phụ nữ, cán bộ, công nhân, viên chức người lao động của tỉnh, đang hưởng ứng là hoạt động ý nghĩa thiết thực tôn vinh nét đẹp, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam của mỗi người, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc.

Theo Báo Tuyên Quang

 


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 32 Lượt truy cập: 1.590.138