Chính sách - Pháp luật
Cập nhật lúc Thứ Sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2024 - 14:49 (GMT+7)
Vai trò của Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp

      Thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) tại doanh nghiệp là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện tốt QCDC sẽ  giúp người lao động phát huy vai trò tham gia quản lý doanh nghiệp, động viên người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động; tạo sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động; đảm bảo hài hoà lợi ích của của doanh nghiệp và người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Với vị thế của mình, công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng trong việc tham gia xây dựng và thực hiện QCDC tại  doanh nghiệp. Đó vừa là trách nhiệm, đồng thời là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

       Trong những năm qua, công tác chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS tham gia xây dựng và thực hiện QCDC tại doanh nghiệp luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh. Với 13 CĐCS trực thuộc,  (03 CĐCS doanh nghiệp FDI), tổng số lao động là 5.499 người, trong đó có 5.440 đoàn viên, Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở đến các CĐCS, đoàn viên, người lao động. Hướng dẫn, chỉ đạo các cấp CĐCS chủ động, tích cực đề xuất với người sử dụng lao động thành lập ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC; xây dựng QCDC đúng pháp luật. Các CĐCS đã tham gia thành viên ban chỉ đạo, tham gia vào các nội dung về quyền được biết của người lao động tại doanh nghiệp như: Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, chế độ, chính sách cho người lao động, thỏa ước lao động tập thể… Tham gia xây dựng nội dung, cách thức tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; quy trình tổ chức hội nghị người lao động. Chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền đến người lao động nội dung Quy chế, kết quả các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động. Rà soát các nội quy, quy định tại doanh nghiệp không còn phù hợp với quy định của pháp luật để kiến nghị, đề xuất với người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Giám sát việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp; việc doanh nghiệp thực hiện các nội dung để bảo đảm các quyền được biết, được tham gia, được quyết định, được kiểm tra, giám sát của người lao động. Hằng năm, các CĐCS xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động; tham gia chuẩn bị nội dung hội nghị, chuẩn bị báo cáo về tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, nội quy lao động, an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện làm việc; tình hình thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại, kết quả giải quyết các kiến nghị của tập thể lao động sau các cuộc đối thoại; tổng hợp đề xuất, kiến nghị của người lao động; ý kiến góp ý vào các dự thảo quy định, quy chế nội bộ, thỏa ước lao động tập thể. Chủ tịch các CĐCS  đồng chủ trì cùng chủ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động.

 

Hội nghị giao ban công tác Công đoàn của Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh

 

       Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS tham gia xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở, Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh chỉ đạo các CĐCS tăng cường giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại doanh nghiệp. Giám sát doanh nghiệp trong việc tổ chức hội nghị người lao động, về đối thoại tại nơi làm việc, về công khai thông tin của doanh nghiệp, về những nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được kiểm tra, giám sát.

        Với sự chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể nêu trên của Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh, các CĐCS trực thuộc đã cơ bản làm tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng và thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại doanh nghiệp. Có 90% doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; 100% doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: tiền lương, định mức lao động, chế độ trả lương, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, điều kiện lao động, bữa ăn giữa ca; trong đó có 40% TƯLĐTT đạt loại A. Hằng năm, 90% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Tại hội nghị người lao động và các cuộc đối thoại tại nơi làm việc, người lao động được tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động; các ý kiến của người lao động được ban chấp hành CĐCS tổng hợp, đề nghị người sử dụng lao động trả lời và giải quyết. Qua đó, đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, hạn chế được tranh chấp lao động trong doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực doanh nghiệp, địa phương.

 

Hội nghị người lao động tại Công ty TNHH Seshin VN2

 

        Để phát huy tốt hơn nữa vai trò Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nói chung và Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh nói riêng trong chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

        Một là, các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở, vì muốn thực hiện QCDC trong doanh nghiệp thì trước hết chủ doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động phải nắm chắc và hiểu rõ các quy định pháp luật về QCDC ở cơ sở. Điều này đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

       Hai là, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ CĐCS để nắm được nội dung, quy trình và kỹ năng trong tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; Định kỳ kiểm tra, giám sát CĐCS trong việc tham gia xây dựng và thực hiện QCDC tại doanh nghiệp.

        Ba là, CĐCS chủ động chuẩn bị nội dung tham gia với người sử dụng lao động xây dựng QCDC. Nội dung QCDC bảo đảm tuân thủ pháp luật, thể hiện đầy đủ quyền của người lao động, phù hợp với đặc thù doanh nghiệp và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Chú trọng tham gia vào nội quy lao động; trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn vệ sinh lao động; thỏa ước lao động tập thể, bữa ăn ca. Những vấn đề có liên quan trực tiếp đến người lao động, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tới cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động; cần tạo ra bầu không khí dân chủ để người lao động tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào các nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp.

        Bốn là, đối với thực hiện QCDC tại doanh nghiệp, CĐCS tích cực phối hợp với doanh nghiệp phổ biến, tuyên truyền nội dung QCDC đến toàn thể người lao động. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động; tham gia chuẩn bị nội dung hội nghị đảm bảo đúng quy trình, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Tập hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị của người lao động; lựa chọn nội dung ưu tiên để đưa ra đối thoại nhằm giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của đa số người lao động; cử thành viên tham gia đối thoại phù hợp với nội dung đối thoại sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

        Năm là, hằng năm, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các CĐCS thường xuyên giám sát việc thực hiện QCDC tại doanh nghiệp theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thông qua kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn giúp các doanh nghiệp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

        Sáu là, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm QCDC ở cơ sở, không tổ chức hội nghị người lao động, không tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Hằng năm, tiến hành sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến về thực hiện QCDC ở cơ sở, doanh nghiệp vì người lao động.

Nguyễn Văn Quang

Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh


In
Về đầu
Công đoàn ngành Y tế: Trao tiền hỗ trợ khó khăn đột xuất cho đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo và bị hoả hoạn - Ngày đăng: 08/08/2024
Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ khó khăn đột xuất cho đoàn viên bị bệnh điều trị dài ngày - Ngày đăng: 26/07/2024
Công ty cổ phần Giấy An Hòa được vinh danh tại Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động” năm 2024 - Ngày đăng: 28/06/2024
Liên đoàn Lao động huyện Chiêm Hóa trao tiền hỗ trợ làm nhà Mái ấm Công đoàn - Ngày đăng: 26/01/2024
Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh: Trao tiền hỗ trợ làm nhà Mái ấm Công đoàn cho gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn - Ngày đăng: 03/11/2023
10 kiến nghị, đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam với Chính phủ - Ngày đăng: 13/02/2023
3 đối tượng đoàn viên, NLĐ được công đoàn hỗ trợ mức 1 đến 3 triệu đồng - Ngày đăng: 19/01/2023
Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh: 2 gia đình đoàn viên, công nhân lao động được hỗ trợ tiền làm nhà - Ngày đăng: 12/01/2023
Quy định mới về tiền lương, phụ cấp có hiệu lực từ năm 2023 - Ngày đăng: 29/12/2022
Liên đoàn Lao động huyện Na Hang trao tiền hỗ trợ làm nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn - Ngày đăng: 03/10/2022

Tổng số: 82 | Trang: 1 trên tổng số 9 trang  

Đang trực tuyến: 77 Lượt truy cập: 1.620.892