Xây dựng thỏa ước lao động tập thể
+ Ngày hỏi: 12/11/2020 - 08:11

     Trong quá trình đàm phán và xây dựng thoả ước lao động tập thể tại công ty B, mặc dù Ban chấp hành công đoàn Công ty đề nghị nhưng với lý do bảo mật giám đốc công ty yêu cầu các phòng nghiệp vụ không được cung cấp thông tin cho công đoàn cơ sở Công ty khiến Ban Chấp hành CĐCS Công ty không có thông tin làm cơ sở xây dựng và đàm phán thoả ước lao động tập thể.
     Việc làm đó của giám đốc công ty đúng hay sai?


Trả lời:


     - Việc làm trên của giám đốc công ty là sai vì:
     + Mục 5 điều 22 Luật Công đoàn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn: “Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị”;
     + Mục a điều 4 Nghị định 43/2013/NĐ-CP quy định quyền của công đoàn trong việc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể có quyền và trách nhiệm: “Thu thập thông tin, tập hợp kiến nghị, đề xuất nội dung có liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;”.
    Việc làm của giám đốc công ty đã vi phạm mục 1 Điều 9 Luật Công đoàn: “cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn”.
    Chủ tịch công đoàn công ty phải gặp giám đốc công ty trao đổi về quyết định trên (dẫn chứng các điều khoản pháp luật về quyền công đoàn trong vấn đề này) và đề nghị giám đốc yêu cầu các phòng nghiệp vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của công đoàn. Đồng thời cần phân tích để giám đốc công ty thấy việc cung cấp thông tin đầy đủ cho công đoàn chỉ có lợi: Tạo mối quan hệ tốt giữa công đoàn với lãnh đạo công ty và hơn hết khi có thông tin đầy đủ, chính xác sẽ giúp xây dựng được một bản thoả ước lao động tập thể tốt, có lợi cho cả công ty và người lao động.