Công nhân phải làm thế nào trong trường hợp công ty nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội trong nhiều tháng?
+ Ngày hỏi: 21/12/2020 - 15:12
Hiện nay, tôi đang làm việc tại Công ty A. Tôi làm từ năm 2008 cho đến nay, trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây, Công ty liên tục chậm lương, có thời điểm chậm đến gần 4 tháng khiến chúng tôi là những người lao động vô cùng khó khăn. Không chỉ nợ lương, Công ty còn nợ cả tiền đóng bảo hiểm xã hội của công nhân nhiều tháng qua. Xin hỏi, chúng tôi phải làm gì trong trường hợp này?
Trả lời
Nợ lương và nợ đóng BHXH của doanh nghiệp ngày càng lớn càng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp nợ công nhâ tiền lươn và BHXH nhiều tháng liền; thậm chí, có doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn trừ lương hằng tháng của người lao động.
Tại Điều 96 Bộ luật Lao động, nguyên tắc hàng đầu trong việc trả lương được quy định như sau:"Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn".
Được nhấn mạnh tại Điều 24 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2012, Nghị định này chỉ rõ, người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần; thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.
Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm; nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Theo Bộ luật Lao động năm 2012 và văn bản pháp lý hướng dẫn liên quan, trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng không được chậm trả lương quá 01 tháng và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương; đồng thời phải chịu phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng với vi phạm trả lương không đúng hạn đối với 301 người lao động trở lên.
Theo quy định tại Nghị định 88, đối với trường hợp doanh nghiệp cố ý chậm lương hoặc thuộc trường hợp đặc biệt nêu trên nhưng trả lương chậm quá 01 tháng thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính.
Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, nếu còn vi phạm, phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bị coi là tội phạm hình sự và mức phạt cao nhất có thể lên tới 3 tỷ đồng; cá nhân còn bị phạt tù đến 7 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định tới 5 năm.
Đồng thời, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa.
|