Giải quyết việc người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ
+ Ngày hỏi: 28/04/2021 - 10:04

 

 Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty nơi tôi làm việc đơn hàng xuất khẩu giảm so với các năm trước. Lấy lý do đó, sau nghỉ tết Nguyên đán, Công ty đã chuyển tôi sang làm công việc khác với hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký. Không đồng ý với quyết định này của công ty, tôi đã chủ động nghỉ việc để tìm cơ hội việc làm mới. Công ty đã không thanh toán nốt tháng lương cuối, mà còn yêu cầu tôi bồi thường một khoản tiền lương ứng với thời gian tôi không báo trước, tiền đào tạo... Xin hỏi, Công ty có quyền như vậy đối với NLĐ hay không?

 Trả lời:

HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (QHLĐ).

Theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho NSDLĐ như sau:

"a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ".

 

Về nguyên tắc, NSDLĐ và NLĐ có nghĩa vụ thực hiện đúng thỏa thuận trong HĐLĐ, bao gồm thời hạn của hợp đồng. NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, nhưng phải báo trước cho NSDLĐ như trên.

Tuy nhiên, theo Khoản 2 của Điều này, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

"a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ".

Thông tin của bạn cho thấy, bạn đã không được công ty nơi bạn làm việc bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, bạn không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước cho công ty trong trường hợp này, bởi quy định nêu trên đã loại trừ trường hợp NSDLĐ phải chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này, "khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi NLĐ đồng ý bằng văn bản.

NSDLĐ quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà NSDLĐ được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ".

Vì gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty phải điều chuyển NLĐ, trong đó có bạn sang làm công việc khác trong thời hạn nhất định. Bạn chủ động nghỉ việc không báo trước cho họ nghĩa là bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật.

Điều 40 của Bộ luật này quy định nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau:

"1. Không được trợ cấp thôi việc.

2. Phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả cho NSDLĐ chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này".

Chi phí đào tạo phải bồi thường bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được cử đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm cả chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Công ty có quyền yêu cầu bạn bồi thường cho họ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước. Đồng thời, họ có quyền yêu cầu bạn hoàn trả chi phí đào tạo (nếu có). Tuy nhiên, họ có nghĩa vụ trả đầy đủ tiền lương còn nợ cho bạn. Bạn cần căn cứ quy định nêu trên, kiểm tra lại để xác định quyền cũng như nghĩa vụ của bạn với công ty.