Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động
+ Ngày hỏi: 19/12/2018 - 14:12

           Câu hỏi: Tôi là Chủ tịch CĐCS của Công ty X. Trong cuộc họp bàn về phương án cổ phần hoá, lãnh đạo công ty không mời đại diện công đoàn tham dự và đưa ra danh sách lao động dôi dư phải chấm dứt hợp đồng lao động trong đó có 1 đồng chí là Uỷ viên BCH CĐCS công ty.
Cho tôi hỏi, tôi phải xử lý vấn đề trên thế nào?

           Trả lời:

Bạn cần gặp Giám đốc Công ty trao đổi về quyết định do Ban Giám đốc đưa ra là không đúng luật định vì:

+ Điều 13 Luật Công đoàn quy định: “…chủ tịch công đoàn các cấp có quyền, trách nhiệm tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng cấp khi bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”.

+ Điều 3 Nghị định 200/2013/NĐ-CP: “Cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của ngành, địa phương, đơn vị, các chính sách liên quan đến người lao động có trách nhiệm mời tổ chức công đoàn cùng cấp tham gia”. Như vậy, cuộc họp của công ty bàn về vấn đề cổ phần hoá là có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động nên phải có đại diện công đoàn tham gia. Việc không có đại diện công đoàn tại cuộc họp trên là trái luật.

+ Mục 2 điều 25 Luật Công đoàn quy định: “Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải,  buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

- Trên cơ sở pháp lý đã nêu, yêu cầu Giám đốc rút lại kết luận tại cuộc họp trên và tổ chức cuộc họp khác có đại diện công đoàn cơ sở tham dự và cùng rà soát phương án giải quyết lao động dôi dư trên cơ sở công bằng, hợp tình hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Nếu không được, báo cáo và đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp giúp đỡ (cần thiết có thể khởi kiện ra toà).

 

Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang