Việc làm thêm giờ ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động
+ Ngày hỏi: 31/07/2019 - 16:07

Tình huống: Tôi vào làm việc trong một công ty may mặc được 2 năm. Thời gian gần đây, công ty huy động người lao động làm thêm giờ rất nhiều, có khi người lao động phải làm từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm, dẫn đến sức khoẻ không đảm bảo. Xin hỏi, trong trường hợp này người lao động phải làm gì?


Trả lời:
Để đảm bảo sức khoẻ người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện học hành và chăm sóc cho gia đình; Luật Lao động nước ta quy định thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ/ngày. Nếu người sử dụng lao động yêu cầu thì hai bên có thể thoả thuận về thời gian làm thêm giờ nhưng không được quá:
- 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
- 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ, lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần;
- 30 giờ trong một tháng.
- 200 giờ trong một năm.
Riêng các doanh nghiệp sau đây được huy động người lao động làm thêm đến 300 giờ trong một năm là: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da giày, chế biến nông, lâm, thuỷ sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp thoat nước; các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải trao đổi thống nhất với người lao động và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
Việc công ty bạn huy động người lao động làm việc thường xuyên từ 7 giờ đến 21 giờ là vượt quá thời gian so với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi Ban giám đốc xem xét giải quyết giảm số giờ làm thêm. Nếu công ty không giải quyết thì bạn có quyền gửi Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội để Sở yêu cầu công ty giảm giờ làm thêm đối với người lao động.