Cuộc thi trực tuyến “Cán bộ Công đoàn giỏi” năm 2024
Cập nhật lúc Thứ Năm, ngày 31 tháng 8 năm 2023 - 17:00 (GMT+7)
BÀI SỐ 120: Sự lan toả yêu thương

Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.


     Những vần thơ mở đầu thi phẩm “Tiếng ru” của Tố Hữu – lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam đã thấm mãi vào tâm hồn tôi từ khi còn học lớp vỡ lòng. Bởi ở đây, lời thơ thật ngọt ngào, êm ái về tình yêu đất nước, con người. Đến khi trưởng thành, tôi càng thấm thía hơn bài học sâu sắc trong mỗi vần thơ. Đó là mỗi cá nhân không thể sống thiếu tình yêu thương, tình đồng chí, tình anh em. Được sống trong mái nhà Công đoàn Trường trung học phổ thông Sơn Dương, tôi càng tin rằng: Tinh thần đoàn kết, sẻ chia của một tập thể luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ hóa giải những khó khăn, vất vả mà còn là động lực giúp mỗi đoàn viên được sống hết mình với tình yêu nghề, với trách nhiệm của bản thân. Một trong những người chị yêu quý của gia đình thứ hai này mang đến cho tôi niềm tin vững vàng đó phải kể đến chị Nguyễn Thị Kim Dung - Giáo viên dạy môn Vật lí.
     Là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Gang thép Thái Nguyên, với ước mơ làm cô giáo, sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 1995, chị Dung về làm dâu ở mảnh đất Sơn Dương – Thủ đô kháng chiến và dạy học ở trường THPT Sơn Nam. Hai tám năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, có đến gần chục năm, chị và chồng – anh Nguyễn Đức Vượng, giáo viên có cùng bộ môn - dạy khác trường, ở cách xa nhau khoảng ba chục cây số nên gặp không ít thiếu thốn, khó khăn, trắc trở. Nhờ có tình thân gia đình, tình cảm vô cùng ấm áp của tổ chức Công đoàn, gia đình chị dần đi vào ổn định, đầy ắp niềm vui. Năm 1996, năm 2002, niềm hạnh phúc gia đình được nhân lên khi hai con lần lượt chào đời, đồng thời cũng là lúc những vất vả trong cuộc sống càng bộc lộ rõ ràng. Phương tiện đi lại của anh Vượng để chăm sóc vợ con chỉ là chiếc xe đạp. Còn mẹ con chị mấy năm đầu ở nhà tập thể của trường, xung quanh không có nhà trẻ mà con thì nhỏ, lại hay ốm đau. Vậy mà, ngoài giờ lên lớp, chị còn tranh thủ làm thêm công việc may đo quần áo để tăng thêm thu nhập, trang trải kinh tế gia đình. Có những thời điểm, chị đạp xe 14 km để vận động học sinh đi học; hoặc dạy 34 tiết/tuần và làm công tác chủ nhiệm. Được chồng và gia đình hai bên nội ngoại hết lòng yêu thương, thấu hiểu, nên dẫu có vất vả đến mấy chị cũng đều vui vẻ đón nhận và vẫn yêu hết mình mái ấm gia đình, mái trường thân yêu. Hai tình yêu ấy hòa quyện với nhau để tạo nên “ngọn lửa lớn” trong trái tim của cô giáo vùng sơn cước.
     Dù công tác ở ba Trường THPT là Sơn Nam hay Kim Xuyên, hay Sơn Dương, mái nhà Công đoàn luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc để chị cố gắng làm tròn vai trò của một đảng viên - nhà giáo, của người con dâu, người vợ, người mẹ. Đặc biệt, những năm gần đây, tại Trường THPT Sơn Dương, chị cũng thường xuyên được tập thể Công đoàn nhà trường đồng hành, động viên, giúp đỡ, chia sẻ những gian truân để chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trước những bài lí thuyết, bài thực hành khó, chị đã cùng anh Vượng – người bạn đời, người đồng chí và Tổ công đoàn miệt mài nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bài soạn công phu để giúp các em hiểu và vận dụng tốt trong quá trình làm bài tập và ứng dụng thực tế ngoài cuộc sống, từ đó càng thêm yêu thích môn Vật lí. Đặc biệt, những khi gia đình hai bên nội ngoại có cha mẹ ốm đau; có chuyện vui, chuyện buồn; bản thân có lúc mệt mỏi, chị luôn được đón nhận lời hỏi thăm, sự giúp đỡ tận tình, chu đáo, đầy yêu thương của các đồng nghiệp, của các tổ chức trong nhà trường. Tinh thần chị ngày càng phấn chấn, tham gia sôi nổi, tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Trước tình đồng nghiệp gắn bó, chị càng có thêm động lực để “truyền lửa” cho học sinh, đáp ứng những thách thức, yêu cầu của thời đại mới, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang.
     Được trò chuyện với chị vào lúc gần trưa, sau tiết bốn, đồng thời sau một cơn mưa bất chợt của mùa hè, cả tôi và chị đều thấy lòng dịu lại. Với ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc, chị Dung tâm sự: Chị luôn chú trọng lấy cái tâm của người thầy làm “trọng lực” để dạy học, chắp cánh ước mơ cho học sinh thân yêu. Ngoài ra, chị cũng không ngừng “Đổi mới trong dạy học, kiểm tra đánh giá”, miệt mài với những giờ ôn thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia, ôn học sinh giỏi, ôn thi Thí nghiệm thực hành. Bởi thế, chị đã có đóng góp đáng kể cho thành tích chung của mái Trường THPT Sơn Dương có bề dày truyền thống như Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh – có thành tích xuất sắc trong Hội thi (năm 2014); Chiến sĩ Thi đua cơ sở (năm học 2021 – 2022). Nhiều lần chị được nhận Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy học của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Dương, Hội Khuyến học huyện Sơn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, Công đoàn ngành Giáo dục, Đảng bộ nhà trường. Riêng năm 2022 – 2023, chị được Đài Phát thanh - Truyền hình Tuyên Quang đưa tin là Giáo viên điển hình trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
 

 

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung nhận Giấy khen
của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Dương

 

 

     Nữ văn sĩ Helen Keller từng nói: “Hãy hướng về phía mặt trời bạn sẽ không thể nhìn thấy bóng tối. Đó là những gì hoa hướng dương đang làm.” Và vườn hoa hướng dương đang lan tỏa sắc màu rực rỡ, tin yêu và hi vọng về những bước tiến lớn của nhà trường trong những năm tiếp theo cho chị Nguyễn Thị Kim Dung, cho tôi, cho tất cả các đoàn viên là Công đoàn Trường THPT Sơn Dương. Mỗi đoàn viên công đoàn luôn tích cực, đoàn kết để “nối vòng tay lớn” xây dựng mái nhà công đoàn của chúng ta ngày càng vững mạnh./.

 

Trần Thị Kim Anh

Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Sơn Dương


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 97 Lượt truy cập: 1.624.694