Gương cán bộ Công đoàn - Người tốt việc tốt
Cập nhật lúc Thứ Bảy, ngày 18 tháng 11 năm 2023 - 10:05 (GMT+7)
Cô giáo Thư tâm huyết

Cô giáo Nguyễn Anh Thư (ảnh bên) là Tổ trưởng Tổ chuyên môn, Trường PTDT Nội trú THCS & THPT huyện Na Hang. Thật may mắn, chúng tôi đến gặp chị đúng dịp chị đang được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. 22 năm gắn bó với nghề, với bao câu chuyện buồn vui, nhưng hơn hết với chị vẫn là tình yêu, chữ "Tâm" với nghề.

 Tâm huyết và ham học hỏi

    Cô giáo Thư sinh năm 1977, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Na Hang. Là cô giáo Ngữ văn, chị có giọng nói nhẹ nhàng và ngôn từ pha chút dí dỏm khiến người nghe cảm thấy rất thú vị. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn - Sử, trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang (nay là Đại học Tân Trào) chị xin đi dạy tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được gần 1 năm rồi về công tác tại trường THCS Sơn Phú (Na Hang). Là giáo viên trẻ, lại có niềm đam mê với nghề giáo từ nhỏ nên chị luôn tâm huyết với nghề.

    Nhà chị cách trường hơn 20km nhưng quãng đường đi lại vô cùng khó khăn, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến trường. Chị bảo, ngày đó việc gia đình cũng nhiều vướng bận, bố mẹ chồng thường xuyên đau ốm, chồng công tác ở xa, một mình chị gồng gánh nuôi con, chăm bố mẹ và dành thời gian cho công tác giảng dạy.


    Đặc thù của học sinh vùng cao là rụt rè, vốn từ Tiếng Việt vô cùng ít ỏi, cách thể hiện câu từ cũng nhiều lủng củng, việc truyền thụ kiến thức là điều rất khó. Để khắc phục những hạn chế trên, cô giáo Thư đều đặn dành những buổi chiều cùng các em tự học, dạy các em cách đặt câu, cách dùng từ qua những câu chuyện đời thường dễ hiểu, cách làm "mưa dầm thấm lâu" rồi sẽ hiệu quả. Khuôn mặt ánh lên niềm vui khi nói về kết quả đạt được. Chị bảo, 4 năm dạy ở Trường THCS Sơn Phú, tỷ lệ học sinh khá giỏi của lớp chủ nhiệm luôn đứng đầu toàn trường, sự tự ti, nhút nhát của học sinh đã dần tan biến.

    Năm 2005, sau khi tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và để lại nhiều ấn tượng, chị Thư được chuyển về giảng dạy tại Trường PTDT Nội trú THCS & THPT huyện Na Hang. Ngày đó niềm vui cũng có nhưng nỗi buồn cũng nhiều, trong chiếc cặp màu nâu sờn cũ, chị lấy 1 cuốn nhật ký nhỏ, giấy đã ngả màu với những dòng chữ nguệch ngoạc của học sinh bày tỏ với cô giáo chủ nhiệm khi cô rời xa. Chị bảo, kỷ niệm đó thật đẹp và ấn tượng đến tận bây giờ.

    Ngày về trường mới, do là giáo viên Văn - Sử, chị được phân công đảm nhiệm 2 vai dạy cả Ngữ văn và Lịch sử. Chị Thư tâm sự, lửa thử vàng, gian nan thử sức, dặn lòng quyết tâm phải làm được, mỗi ngày ngoài những giờ lên lớp, chăm lo việc gia đình, chị đều dành thời gian đến nhà những cô giáo có nhiều kinh nghiệm để học thêm kiến thức, học cách trình bày bài giảng sao cho dễ hiểu và trực quan. Năm 2006, cô giáo Nguyễn Anh Thư đã có những học sinh đầu tiên đạt giải môn Lịch sử cấp tỉnh, đây là niềm tự hào của nhà trường cũng là khẳng định sự nhạy bén, tinh thần ham học hỏi của cô giáo Anh Thư.

    Giúp học sinh trung bình đạt giải học sinh giỏi

    Chúng tôi hỏi: Trong luyện thi học sinh giỏi chị nhớ nhất kỷ niệm gì?

   Chị Thư chia sẻ: Đó là đưa học sinh trung bình thành học sinh giỏi cấp tỉnh.

    Nhớ mãi năm 2014, chị được giao ôn luyện đội tuyển thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh, ngày đó có bạn Triệu Thúy Lan là học sinh có học lực trung bình nhưng lại rất yêu thích môn Lịch sử. Quá trình học, bản thân học sinh cũng tự cảm thấy mình kém hơn các bạn về kiến thức và tiếp thu bài giảng, không dưới 3 lần Lan xin cô giáo cho mình ra khỏi đội tuyển.

    Cô giáo Thư kể, thật sự lúc đó mình cũng nhìn nhận thực tế với học sinh, nhưng thay vì đồng ý, chị lại khích lệ học sinh, 2 cô trò dành thời gian ngoài giờ để ôn luyện kiến thức, sâu chuỗi các sự kiện và tìm ra cách khái quát chung. Nhờ cách làm sáng tạo, sự kiên trì dìu dắt mà năm đó, học trò Triệu Thúy Lan giành giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, kết quả không cao nhưng đó là sự nỗ lực, sự vươn lên của một học sinh có học lực trung bình của nhà trường.

Những bài giảng đều được cô giáo Thư truyền thụ thật dễ hiểu qua các câu chuyện.

    Chị Thư bảo, từ năm 2018, chị dọn ra ở ký túc cùng học trò, thân gái một mình thật sự cũng cô đơn, nhưng có thời gian chăm sóc học trò được nhiều hơn. Như một thói quen, mỗi buổi sáng vào lúc 4h30 chị thức dậy và đi khua học trò dạy ôn bài. Phong trào "khua học sáng" được chị phát kiến từ năm 2019, lúc đầu làm ở lớp chủ nhiệm nhưng mang lại nhiều hiệu quả nên dần thành phong trào và cả khu ký túc đều sáng đèn học tập, nhất là dịp kỳ thi học kỳ.

    Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS & THPT huyện Na Hang kể, giảng dạy ở trường được hơn 19 năm, cô giáo Nguyễn Anh Thư đã "luyện" được 46 học sinh giỏi cấp tỉnh ở 2 môn Ngữ văn và Lịch sử, thật sự đó là niềm tự hào của nhà trường, bởi nhiều năm nay, những ngôi trường vùng cao có học sinh giỏi các môn xã hội là vô cùng hiếm, nhưng cô Thư đã làm được điều đó.

    Cuộc sống học sinh xa nhà muôn vàn khó khăn, cô giáo trẻ Hoàng Thị Pú, giáo viên Trường PTDTBT - THCS Sinh Long (Na Hang) rưng rưng nước mắt kể lại, ngày xưa mình là học trò của cô Thư, nhà tận xã Sinh Long, thiếu vắng bố mẹ chăm sóc, cô Thư như người mẹ thứ 2 của mình. Mỗi dịp cuối tuần, mình cùng vài học sinh khác ở xa đều xuống nhà cô giáo ăn ở như con của gia đình. Cô giáo Pú bảo, ngôi nhà cũ của cô Thư như nhà của chị và của nhiều lứa học trò.

    Học trò xuống theo học đa số đều ở xa, việc nhỏ, việc to thì người các em tìm đến tâm sự đều là thầy cô giáo, nhiều khi tâm lý bất ổn cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chị Thư kể, dịp thi học kỳ II vừa qua, trong lớp chủ nhiệm có 1 học sinh giỏi bỗng dưng học lực sụt giảm nghiêm trọng, qua tìm hiểu mới biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố em thường xuyên đau ốm phải đi chữa bệnh dưới Hà Nội, mẹ em một mình gồng gánh nuôi gia đình vô cùng vất vả.

    Nắm bắt được tâm tư học sinh, cô giáo Thư vận động nhà trường quyên góp giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với học sinh để em ổn định tâm lý. Chị khoe, bắt đầu năm học mới, cô học trò đã trở lại phong độ là học trò giỏi, chị khẳng định, đó sẽ là "hạt giống đỏ” trong kỳ thi học sinh giỏi năm nay.

     Say sưa, tâm huyết với nghề, mỗi học trò tiến bộ luôn là niềm vui và là động lực để cô giáo Thư tiếp tục cuộc hành trình "lái đò” của mình.

Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ (Sưu tầm)


In
Về đầu

Đang trực tuyến: 21 Lượt truy cập: 1.591.416