Tài chính công đoàn là điều kiện, là công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động của tổ chức công đoàn. Thu kinh phí công đoàn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp công đoàn. Theo quy định của Nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, đối tượng đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ) là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Mức đóng KPCĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp cho công tác thu KPCĐ. Kết quả thu hằng năm luôn đạt và vượt dự toán Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, tính đến 31/12/2016, số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn trong toàn tỉnh là trên 780 đơn vị, trong đó có 167 doanh nghiệp, HTX có tổ chức công đoàn, trên 610 doanh nghiệp, HTX chưa có tổ chức công đoàn. Năm 2016, kết quả thu KPCĐ trong khối doanh nghiệp, HTX có tổ chức công đoàn là 6,7 tỷ đồng, đạt trên 76% so với số KPCĐ các doanh nghiệp, HTX phải đóng theo quy định; thu KPCĐ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn được 138 triệu đồng, đạt trên 10% so với KPCĐ các doanh nghiệp phải đóng theo quy định. Một số doanh nghiệp thực hiện tốt việc đóng kinh phí công đoàn như: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước, Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường và quản lý Đô thị, Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang, Công ty TNHH MTV Seshin VN2... Kết quả đạt được đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp công đoàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thu KPCĐ, nhất là thu KPCĐ ở doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ thất thu KPCĐ đối với doanh nghiệp còn ở mức cao. Một số doanh nghiệp mặc dù đã được các cấp công đoàn tuyên truyền, đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn chây ỳ, cố tình trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện đóng kinh phí công đoàn năm 2016 theo luật định như: Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang....
Nguyên nhân của tình trạng khó thu KPCĐ một phần là do một số doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình; có những doanh nghiệp chỉ có 5 hoặc 7 đoàn viên, sản xuất, kinh doanh không ổn định; thậm chí có doanh nghiệp chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất, kinh doanh không rõ ràng nên công đoàn rất khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động, đốc thúc nộp kinh phí công đoàn. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cho người lao động khi đơn vị thực hiện đóng KPCĐ. Công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc của các cấp công đoàn đã được tăng cường, tích cực hơn nhưng chưa thực sự sâu sát, hiệu quả.
Theo quy định, nguồn thu kinh phí công đoàn được sử dụng cho hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức các phong trào thi đua, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, nghỉ dưỡng sức, thăm hỏi ốm đau, duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn... Những hoạt động đó đều nhằm bảo vệ sự ổn định, hài hòa của quan hệ lao động; động viên người lao động làm việc hết mình vì sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Việc thất thu hoặc chỉ thu ít kinh phí công đoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn tài chính phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo cho người lao động.
Lãnh đạo Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ các huyện, thành phố bàn giải pháp về thu kinh phí công đoàn.
Để giải quyết những khó khăn trong việc thu kinh phí công đoàn, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động, trong thời gian tới, các LĐLĐ huyện, thành phố cần tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện trích nộp KPCĐ. Chủ động tham mưu với chính quyền địa phương thành lập đoàn liên ngành (gồm các các cơ quan chức năng như: Thuế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội...) kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, trong đó có lồng ghép kiểm tra Luật Công đoàn. Đặc biệt, theo Điều 24C - Nghị định 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015 quy định nếu vi phạm về nộp KPCĐ sẽ bị phạt (phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi: Chậm đóng KPCĐ; Đóng KPCĐ không đúng mức quy định; Đóng KPCĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Các hành vi trên phạt tối đa không quá 75 triệu đồng...). Chế tài xử lý bằng pháp luật đã có, tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đòi hỏi tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết liệt tuyên truyền để cán bộ công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp nắm vững những quy định của pháp luật, nhất là Luật Công đoàn, Nghị định 88/2015/NĐ-CP, Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tài chính công đoàn, giúp cán bộ công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện đóng KPCĐ để chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp.
Nguyễn Văn Quang
Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh