Ngày 9.10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Đoàn Đại biểu Quốc Hội TPHCM và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (dự thảo luật). Vấn đề tài chính CĐ, trong đó nguồn thu kinh phí CĐ 2% được quan tâm, thảo luận nhiều nhất.
Chi tài chính CĐ tại CĐCS chiếm 73,2%
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết qua tổng kết việc thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy, thu đoàn phí CĐ chiếm từ 25% - 27%; thu kinh phí CĐ chiếm từ 57% - 64%; thu khác chiếm từ 11% - 16%; ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm khoảng 1%.
Chi tài chính CĐ chiếm tỷ trọng nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở (CĐCS), chiếm trên 73,2%; CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm 14,8%; cấp tỉnh, ngành chiếm 10,9%; tại cấp Trung ương (Tổng LĐLĐ Việt Nam) khoảng 0,7%. Trong phân phối các nội dung chi theo quy định, nguồn kinh phí CĐ cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động (NLĐ), chiếm 84,14% tổng số chi.
Thu kinh phí CĐ 2% mang tính lịch sử
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm chăm lo cho giai cấp công nhân. Việc thu kinh phí CĐ 2% trên quỹ tiền lương mang tính lịch sử, đã được hình thành và có ở tất cả các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuất phát từ quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà CĐ là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và NLĐ. CĐ có nghĩa vụ và trách nhiệm phải xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, nên tổ chức CĐ phải có nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này.
Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 – SL ngày 5.11.1957 ban hành Luật Công đoàn, trong đó đã quy định rõ: “Tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp Nhà nước, cơ quan, trường học chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho CĐ bằng một tỷ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân, viên chức” và được cụ thể hoá vào Nghị định số 188-TTg ngày 9.4.1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Trong đó, Điều 19 quy định: “Để góp phần vào quỹ CĐ, giám đốc xí nghiệp nhà nước, thủ trưởng cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, hiệu trưởng trường tư thục, hàng tháng nộp vào quỹ CĐ thuộc tài khoản của Tổng LĐLĐ Việt Nam ở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam một số tiền gọi là kinh phí CĐ bằng hai phần trăm (2%) tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế”.
Nghị quyết Trung ương 06-NQ/TW ngày 5.11.2016 của BCH Trung ương Đảng khóa XII cũng xác định phải “tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp tham gia Tổng LĐLĐ Việt Nam”. Do đó, việc tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn là hết sức cần thiết.
Theo ông Tùng, CĐ khác với các đoàn thể chính trị - xã hội khác, ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí cho CĐ để chi thường xuyên, cán bộ CĐ không hưởng lương từ ngân sách mà từ đoàn phí do đoàn viên đóng góp. Ông Tùng đề nghị giữ nguyên thu kinh phí CĐ 2% như Điều 26 Luật Công đoàn 2012. Số tiền thu được từ kinh phí CĐ, sau khi trừ phần nộp về cấp trên, sẽ được chia cho CĐCS, tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp theo tỉ lệ đoàn viên của từng tổ chức để bảo đảm tất cả mọi NLĐ đều được chăm lo từ nguồn này.
Cần có tài chính riêng để thực hiện nhiệm vụ CĐ
Ông Lương Văn Cừ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc Hội, phân tích thêm: CĐ là một bên trong quan hệ lao động 3 bên với Nhà nước và người sử dụng lao động. CĐ có đặc thù rất riêng so với các tổ chức chính trị - xã hội khác, có chức năng chủ yếu là đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả đoàn viên và NLĐ. Nếu CĐ cũng được cấp ngân sách như các tổ chức chính trị - xã hội khác thì sẽ không có tính độc lập, không có nguồn lực, khả năng để thực hiện được chức năng của mình trong quan hệ lao động.
CĐ phải chủ động trong hoạt động mà muốn chủ động thì phải có tài chính, tài sản riêng thì mới xây dựng được quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ theo chỉ thị của Ban Bí thư. Nếu xảy ra tranh chấp lao động thì cả doanh nghiệp, nhà nước, NLĐ đều thiệt. Quan hệ lao động ổn định thì doanh nghiệp và kinh tế - xã hội ổn định, phát triển.
Một số ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cũng thống nhất trì cần phải duy trì nguồn thu kinh phí CĐ nhưng muốn giảm xuống còn 1%. Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho rằng chưa có cơ sở để giảm thu kinh phí CĐ từ 2% xuống 1%, nhưng lưu ý với quy định mới về tiền lương trong Bộ luật Lao động thì việc thu kinh phí CĐ 2% sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cho biết việc quy định và duy trì 2% kinh phí CĐ trước hết và chủ yếu phục vụ nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đó là sự chăm lo có tổ chức, chăm lo trong tình yêu thương giai cấp, trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Không nên "cào bằng" chỉ tiêu biên chế CĐ
Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, góp ý thêm, việc “cào bằng” chỉ tiêu biên chế CĐ ở các địa phương là chưa phù hợp. Ví dụ tỉnh Bình Dương có trên 1 triệu lao động, đoàn viên CĐ nhưng số lượng cán bộ CĐ theo quy định cũng bằng các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ có vài chục ngàn công chức, viên chức, rất ít CNLĐ là chưa phù hợp. Do đó, cần quy định tổng số biên chế của tổ chức CĐ không thay đổi, nhưng cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam có quyền phân bổ số biên chế cho phù hợp, tương ứng với số lượng CNLĐ, đoàn viên CĐ ở từng địa phương.
Theo laodong.vn